Giaosucan's blog - Chia sẻ kiến thức theo cách bá đạo

Ticker

20/recent/ticker-posts

Tôi đã đến với ngành CNTT như thế nào


Dạo này lượn quanh 1 số diễn đàn, group facebook, mình vẫn thấy hàng loạt những lời than khóc như cha chết kiểu dư lày


Dường như các bạn trẻ đang rất hoang mang lo lắng về việc chọn ngành nghề để học, mong sao kiếm được việc nhẹ lương cao. Tuy nhiên thực tế nhiều bạn ra trường đều làm trái ngành nghề mà mình được học. Tuy không được đào tạo đúng chuyên ngành nhưng các bạn đó vẫn làm rất tốt công việc của mình. Bài viết này nói về kinh nghiệm của chính bản thân mình khi bước vào ngành CNTT.

Mặc dù đang làm về CNTT, nhưng thực tế mình không hề tốt nghiệp hay được đào tạo về lĩnh vực này. Mình vốn học ngành điện tử của DHBK Hà Nội, chuyên làm về phần cứng, thiết kế mạch điện.

Thời sinh viên

Sớm nhận thấy môi trường giáo dục thảm họa ở VN, toàn học lý thuyết suông, cô giảng trò chép, thi chỉ để lấy điểm, cộng với việc đầu óc cũng chẳng sáng láng cho lắm trong chuyện học hành nên từ năm thứ ba, mình dành phần lớn thời gian để đi làm thực tế, học hỏi kinh nghiệm. Đầu tiên là tham gia cuộc thi sáng tạo robot ROBOCON. Hồi đó cuộc thi này khá hot và các đội của trường DHBK Hà Nội rất mạnh. Tham gia cuộc thi này, mình đã học hỏi được rất nhiều kiến thức thực tế về thiết kế mạch điện, lập trình nhúng, cơ khí chế tạo. Có điều tham gia cuộc thi này cũng khá tốn kém, xin bố mẹ được 500K + bán ít đồ đạc cá nhân tổng cộng được 2 triệu để thỏa mãn niềm đam mê. Rồi nhiều đêm thức trắng ngồi code, hàn mạch, mình đã nếm mùi OT, ON đầu tiên trong đời. Cơ bản thì lần đầu làm “chuyện ấy” cũng không thấy đau đớn gì.
Do có thói quen lưu trữ tư liệu nên cloud nên giờ vẫn còn cái video con robot ngày xưa, lập trình bằng C trên chip vi điều khiển.

Sang các năm tiếp theo của đại học, nhờ kiến thức điện tử học được ở cuộc thi ROBOCON, mình cùng với một cậu bạn bắt đầu kiếm tiền bằng nghề làm đồ án, bài tập lớn thuê, dạy sinh viên kiến thức điện tử.
Đây là mạch điện điều khiển xe đồ chơi dùng sóng vô tuyến RF, bán được 300K (vào năm 2005), mạch làm bằng tay hoàn toàn bằng phương pháp in là, trông khá nông dân. Hình chụp bằng webcam trông cũng mờ tịt.
 photo rf.jpg
 photo rf2.jpg
Vẽ mạch điện bằng phần mềm OrCard rồi tự làm bằng tay
 photo machin.jpg

Ra trường

Nhờ những năm tháng sinh viên chịu khó làm việc thực tế nên khi ra trường, mình đã có được kiến thức kĩ thuật về lập trình nhúng, điện tử khá vững chắc, cộng một số vốn kha khá để làm startup trong lĩnh vực điện tử với vài người bạn trong đội Robocon năm xưa
 photo IMG_0688.jpg

Lúc này thì các sản phẩm điện tử làm ra trông cũng pro hơn, không lởm như hồi sinh viên
Đây là bộ thực hành PLC S7-200 (Programmable Logic Controller) + Máy biến tần điều khiển động cơ, màn hình HMI. Bạn nào làm về tự động hóa sẽ biết cái này. Vẫn nhớ phải ngồi tới 4h sáng để đấu dây cái thiết bị này.
 photo IMG_0684.jpg
Thời code bằng máy Pentium 4, màn hình CRT vẫn chạy ầm ầm.
 photo IMG_0694.jpg
Kit vi điều khiển AVR của Atmel, do 1 cậu bạn thiết kế.
 photo IMG_0022.jpg

Ra nước ngoài

Những tưởng có thể theo nghề điện tử đến già thì cuộc đời ai học chữ ngờ, năm 2009 mình có cơ hội sang Singapore và Nhật Bản. Ở đây mình nhận thấy nhu cầu tuyển dụng về ngành CNTT rất lớn, và làm ngành này thì vốn đầu tư thấp hơn so với làm điện tử. Chỉ cần dàn máy tính cấu hình ổn là ok, so với lĩnh vực điện tử phải đầu tư thiết bị như Oscilo, đồng hồ số, linh kiện… thì rẻ hơn nhiều. Tại thời điểm đó, kiến thức lập trình vỏn vẹn chỉ có lập trình C/C++, những ngôn ngữ như Java, .NET đều mù tịt, cấu trúc dữ liệu và giải thuật thì biết chút đỉnh, mình đã quyết định bắt đầu với nghề CNTT bằng việc tự học và đi làm freelancer . Nhờ anh Gúc Gồ support thì sau 2 năm, kiến thức tích lũy cũng kha khá và nộp đơn xin việc vào các công ty IT với role software developer. Điều bất ngờ là họ không hề quan tâm đến việc mình học ngành gì, chỉ quan tâm mình có đủ skill để làm việc hay không qua việc interview.
Cuối cùng thì mình đã bỏ chuyên môn được đào tạo trong trường đại học và làm nghề CNTT cho đến giờ. Trong team còn có 1 đồng chí học đại học Nông Lâm nhưng tiếng Anh vẫn chém như gió, code ầm ầm. Kiến thức điện tử giờ đây thì đã rơi rụng sạch, tuy nhiên giờ nhìn vào mạch điện, xem linh kiện cơ bản thì vẫn OK.

Kết luận

Nghề nghiệp lại giữ một vị trí hết sức quan trọng trong suốt cuộc đời của mỗi người. Khi bước chân vào ngưỡng cửa đại học, bạn chọn nghề cho chính bạn. Nhưng khi ra trường, cuộc đời sẽ chọn nghề cho bạn. Chuyện người chọn nghề hay nghề chọn người vẫn còn là một câu hỏi khó trả lời. Có nhiều người vẫn rất thành công trong lĩnh vực không phải chuyên ngành, chuyện đó rất bình thường. Cho nên các bạn học sinh, sinh viên cũng không cần phải quá lo lắng với việc chọn ngành nghề làm gì. Cứ lựa chọn ngành nghề mà mình thấy phù hợp trước, rồi cuộc đời sẽ quyết định bạn có phù hợp với nghề đó hay không.  Công việc đầu tiên không phải là công việc cuối cùng của bạn.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét