Giaosucan's blog - Chia sẻ kiến thức theo cách bá đạo

Ticker

20/recent/ticker-posts

OverTime Có Đáng Sợ?

OverTime Có Đáng Sợ?

Tại Mỹ, một nghiên cứu do đại học Stanford thực hiện vào năm 2017 cho thấy một người lao động bình thường sẽ sẵn sàng từ bỏ 20% tiền lương để tránh việc bị tăng ca đột xuất, đồng thời đánh đổi 8% tiền lương để được lựa chọn làm việc tại nhà. 
Trong tháng 8 năm 2019, Văn phòng Microsoft tại Nhật Bản đã thử nghiệm cho nhân viên làm việc 4 ngày/tuần. Kết quả là năng suất làm việc của họ tăng 40%. Hơn 90% nhân viên tại đây cho biết họ thích thời gian làm việc ngắn ngày hơn trước. 
Vậy tại sao tình trạng làm việc ngoài giờ - Over time (OT) vẫn đang là chủ đề gây tranh cãi nhiều đến thế trên mạng xã hội?

Bản chất của OT/ON

Bản chất của việc OT là (1) bạn làm việc chưa đủ hiệu quả để hoàn thành công việc được giao và (2) lượng công việc được giao vượt quá khả năng đáp ứng trong thời gian làm việc 8 tiếng 1 ngày.
Nếu bạn rơi vào (1), việc bạn cần làm là cố gắng để cải thiện hiệu suất làm việc, chứ không phải tiếp tục làm thêm, ngày qua ngày. Vì giả sử năng suất bạn là làm mỗi ngày 10 việc kể cả cá nhân lẫn công ty, thì dành thêm thời gian cho việc của công ty cũng không khiến bạn làm lên được 11 hay 12 việc được. Bạn sẽ lại cắt thời gian ăn, ngủ để làm những việc cá nhân khác. Và bạn sẽ lại dậm chân tại chỗ, một vòng luẩn quẩn. Giải pháp của làm việc thiếu hiệu quả là… tìm cách làm việc hiệu quả hơn, chứ không phải làm nhiều hơn.
Nếu bạn rơi vào (2), thì bạn có nên từ chối OT không? Nếu lo sợ sẽ bị công ty đuổi việc hoặc đồng nghiệp xa lánh vì bạn không OT, thì hóa ra công ty chỉ giữ bạn lại và đồng nghiệp nể bạn chỉ vì bạn có thể OT thôi à?
Khi công việc trở nên quá sức so với nhân viên như ở trường hợp (2), phần lớn nguyên nhân thuộc về hệ thống. Từ  hệ thống quản lý cho đến nhân sự không đảm bảo đủ nguồn lực để thực hiện công việc.
Ngoài (1) và (2), còn trường hợp thứ (3) là “khách cần gấp”. Văn hóa làm quá giờ dần trở nên hiển nhiên đến mức bực mình. Vì một ai đó ở client làm đến khuya và làm việc vào cuối tuần nên họ cũng bắt agency phải theo như thế.
Thỉnh thoảng lại có ai đó qua đời vì làm việc quá sức.
Ai đó qua đời trên bàn làm việc quả là một kiểu tin chẳng mấy vui vẻ. Lúc ấy mọi người sẽ ngừng lại một chút để nghĩ về vị trí hiện tại của bản thân, sẽ chia sẻ một chút quan điểm gì đó, hay chia sẻ bài đăng hay ho nào đó về OT. Mọi người sẽ than thở một chút.
Ở Nhật, có một thuật ngữ gọi  là Karōshi (quá lao tử). Karoshi trong tiếng Nhật là hiện tượng một người làm việc quá sức dẫn đến tử vong. Nguyên nhân chính gây tử vong do karōshi là nhồi máu cơ tim và đột quỵ do căng thẳngthiếu ngủ, kiệt sức do suy dinh dưỡng bởi chế độ ăn thiếu thốn, ngoài ra cũng bao gồm tự tử do áp lực công việc. Hiện tượng này cũng phổ biến rộng rãi ở một số quốc gia trên thế giới.
Làm thêm giờ là một lựa chọn, đôi khi bạn có thể chọn có như một sự đầu tư. 

Cách để cân bằng cuộc sống và công việc

  1. Nâng cao hiệu suất công việc.
Tổng thống thứ 34 của Hoa Kỳ, Dwight Eisenhower từng nói rằng: Những gì quan trọng thì hiếm khi khẩn cấp, và những gì khẩn cấp thì hiếm khi quan trọng. Trước khi trở thành Tổng thống, Eisenhower là vị tướng năm sao trong quân đội Hoa Kỳ. Ngoài ra, ông cũng từng giữ chức Hiệu trưởng Đại học Columbia. Eisenhower có một khả năng phi thường để duy trì năng suất làm việc của mình không phải chỉ trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng, mà là trong nhiều thập kỷ.
Chiến lược làm việc hiệu quả nổi tiếng nhất mà ông đã từng áp dụng được đặt tên là Eisenhower Box (Ma trận Eisenhower).
Cách mà bạn dành thời gian và ưu tiên cho bất kỳ phần tư nào trong ma trận cũng sẽ ảnh hưởng đến những hoạt động còn lại. Như vậy, chìa khóa của ma trận Eisenhower chính là sự ưu tiên (priority). Hãy lập kế hoạch cho công việc của bạn và tính toán thời gian dự kiến. Bạn cần phải phân biệt được đâu là việc quan trọng và ưu tiên làm trước. Đặc biệt, khi đã xác định được thứ tự ưu tiên rõ ràng, bạn sẽ tách được chúng với các yếu tố gây nhiễu và mất thời gian.
Cách sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên như sau:
  • Ưu tiên những công việc quan trọng và cần gấp
  • Những công việc không quan trọng nhưng cần gấp
  • Những công việc không cần gấp nhưng quan trọng
  • Những câu việc không cần gấp và không quan trọng
2. Áp dụng phương pháp quản lý thời gian
Xác định mục tiêu là cách quản lý thời gian khoa học nhất. Khi có mục tiêu rõ ràng bạn sẽ biết mình cần phải làm gì để đạt được mục tiêu đó. Khi đã có mục tiêu chính, bạn bắt đầu liệt kê những công việc nhỏ phục vụ cho mục tiêu. Những công việc cần làm trong ngày là gì? Ngày tiếp theo sẽ phải làm gì và xa hơn là kế hoạch trong tuần và trong tháng.
    Một phương pháp điển hình được áp dụng phổ biến cho việc quản lý thời gian chính là "Pomodoro".
    Nhà quản lý người Ý tên là Francesco Cirillo đã phát minh ra Kỹ thuật Pomodoro vào đầu những năm 90. Ông đặt tên kỹ thuật này là “Pomodoro” (nghĩa là quả cà chua theo tiếng Ý) sau khi sử dụng công cụ đo thời gian hình quả cà chua để theo dõi công việc thời còn là sinh viên đại học. Áp dụng Pomodoro sẽ giúp cải thiện năng suất làm việc một cách rõ rệt.
    Phương pháp hay kỹ thuật Pomodoro rất đơn giản như sau: Khi phải đối mặt với nhiệm vụ lớn hoặc chuỗi nhiệm vụ thì chia ra thành các nhiệm vụ nhỏ để làm trong một khoảng thời gian ngắn, xen giữa các khoảng làm việc ngắn sẽ là những “kì nghỉ” ngắn. Phương pháp này sẽ huấn luyện bộ não của bạn tập trung làm việc trong một thời gian ngắn, giúp bạn rơi vào tình thế luôn có những hạn chót để hoàn thành công việc và cũng thường xuyên được nạp lại năng lượng. Bạn có thể cải thiện sự tập trung và “sự có mặt” đúng nghĩa của mình với Pomodoro.
    Một nghiên cứu chỉ ra rằng, trung bình một người áp dụng phương pháp này chỉ đang sử dụng 40 Pomodoro/tuần (khoảng17 giờ/tuần) để hoàn thành khối lượng công việc mà trước đó họ phải dành đến 60 giờ.
    3. Hãy biết nói không
    Trong công việc và cuộc sống, có nhiều lúc bạn phải học cách từ chối. Không phải vì bạn không làm được việc, mà là bạn muốn để cho đối phương phải cân nhắc việc giao thêm việc và nhờ vả. Từ chối giúp những việc mà bạn bạn có khả năng làm cũng chính là biểu hiện tôn trọng họ. 
    Hãy để cho mình “thở” một chút, hãy tập trung làm tốt công việc của mình. Bạn có thể giúp đỡ và nhận thêm việc khi bản thân có thời gian và sức lực để đảm bảo công việc được hoàn thành mà không gây ảnh hưởng đến bản thân và sự nghiệp lâu dài, hãy “chọn lọc” các nhiệm vụ một cách hợp lý.
    4. Không ngừng học hỏi và phát triển
    Trong một thế giới ngày càng mở rộng, một người không thể biết tất cả mọi thứ, nhưng hiểu được sự thay đổi liên tục và luôn duy trì nhu cầu tiếp tục tìm hiểu về thế giới xung quanh sẽ giúp bạn đi đúng hướng và nâng cao được kiến thức cùng kỹ năng làm việc. Việc học hỏi này không phải chỉ đơn thuần là đến lớp học mà đó còn là sự chia sẻ kiến thức lẫn nhau giữa các đồng nghiệp, ứng dụng các kiến thức vào thực tế công việc theo mô hình 70:20:10, trong đó 70 là học hỏi từ công việc thực tế, 20 đến từ sự trao đổi và chia sẻ, 10 đến từ các khóa học.

    Cuối cùng

    Bản thân phát triển được năng lực đồng nghĩa với việc hiệu quả công việc sẽ được cải thiện. Chỉ cần đặt mục tiêu chuẩn xác, đi theo các bước một cách tuần tự và kiên trì thì việc Over time trong công việc chỉ là ngắn hạn. Câu chuyện OT sẽ không còn là nỗi ám ảnh với người đi làm nữa mà nó sẽ là động lực để mọi người biết cách trân trọng thời gian của mình và quản lý thời gian hiệu quả. Và đó chính là một lời nhắc nhở về việc không ngừng phát triển bản thân, nâng cao hiệu quả làm việc. Chúc các bạn thành công!
    Nguồn:
    J2_Team Community

    Đăng nhận xét

    1 Nhận xét